LẨU CÙ LAO THƯƠNG NHỚ MIỀN TÂY

Món lẩu cù lao là món ăn dân dã của người miền Tây. Tuy là món ăn dân dã nhưng nó mang lại hương vị độc đáo lạ miệng và thơm ngon cực hấp dẫn. Lẩu cù lao, thường được gọi là cù lao đã trở thành một nét chấm phá trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ trong nhiều dịp trọng đại như lễ cưới hỏi, đám giỗ, lễ Tết. Có lẽ bởi hình dáng của chiếc cù lao cũng giống như một vùng đất nổi lên giữa bốn bề sông nước mà nó có cái tên lạ lẫm như thế và thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên món ăn mang đậm dấu ấn bản địa, không thể nhầm lẫn.

Cù lao hoặc có thể gọi là cồn được định nghĩa là vùng đất nổi trên sông cũng giống như nơi được gọi là đảo ở các vùng biển, ở đó cũng có người dân và cuộc sống sinh hoạt như bình thường, chỉ là phạm vi địa lý nhỏ hơn. Ở Việt Nam, cù lao hầu hết xuất hiện ở miền Tây do phù sa bồi đắp trong thời gian dài, chẳng hạn như: cù lao Dài ở Vĩnh Long, cù lao Thới Sơn ở Tiền Giang, cù lao Dung ở Sóc Trăng, hay ở Cần Thơ lại có Cồn Sơn,...Đối với người dân ở miền Tây, từ "cù lao" không chỉ là danh từ được dùng để chỉ vùng đất hình dải được bao quanh bởi các phụ lưu của các con sông, chẳng hạn như cù lao Thới An, cù lao Thới Sơn, cù lao An Bình… mà còn là từ dùng để chỉ một món ăn được nấu trong 1 chiếc nồi rất giống chân đèn, nhưng to hơn khi kết hợp với một chiếc thau nhôm hình trụ có ống khói rỗng ở giữa để đựng than.

Ở mỗi xứ cù lao sẽ đều có lối sống khác nhau theo đặc trưng từng địa phương, tuy nhiên cuộc sống đều yên bình gói trọn trong xóm nhỏ. Vùng đất trên sông cách với đất liền, khi cần mới chạy xuồng vào bờ vì trên mảnh cù lao đời sống bà con vẫn diễn ra với công việc tăng gia sản xuất hàng ngày như chăm cây nuôi cá, mọi hoạt động không khác trong đất liền là bao. Trên xóm nhỏ giữa dòng sông vẫn chan chứa tình làng nghĩa xóm.

Lẩu cù lao chính là một món ăn đặc trưng ở miền Tây nấu theo vị ngọt tự nhiên của các nguyên liệu rau củ và tim, gan,... Sở dĩ món ăn có tên cù lao chỉ đơn giản dựa vào dụng cụ nấu được gọi tên cù lao, loại nồi có phần nhô cao lên ở giữa để chứa than giữ độ nóng cho đồ ăn. Được biết do từ thời xa xưa, chưa có những dụng cụ để làm nồi lẩu nhưng nhiều món canh cần ăn nóng nên ông bà xưa đã chế tạo ra chiếc cù lao để giữ độ nóng cho món ăn. Cù lao được nấu từ các phần nội tạng và rau củ tạo vị ngọt tự nhiên, thanh mát mang ý nghĩa của sự ngọt ngào, mang tình yêu thương sâu thẳm từ tim gan mà những thế hệ trước đã ra đi và con để lại cho con cháu đời sau. Phần trụ giữa để chứa than, không cháy bùng như lửa bếp ga cũng giống như tình yêu thương của ông bà dành cho con cháu, không thể hiện ra nhưng lúc nào cũng âm ỉ cháy.

Có thể nói, “cù lao” không chỉ trở thành một nét đặc trưng của địa lý vùng sông nước miền Tây mà nó còn đi sâu vào ẩm thực nơi đây. Và nếu có dịp ghé miền Tây nhất định bạn phải thưởng thức món lẩu cù lao trứ danh nhé!