CẦN THƠ ĐI ĐÂU?

Đến với "thủ phủ miền Tây" nếu bạn không biết đi đâu, hãy để Rạch Sao dẫn lối cho bạn một số gợi ý nhé, chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng đâu nè.

1. CHỢ NỔI CÁI RĂNG

Rồi dìa miền Tây mà hỏng đi được chợ nổi là hơi bị uổn luôn đó nha, đi chợ nổi cảm giác khác biệt so với đi tàu, đi biển lắm,...mỗi nơi sẽ cho bạn một cảm giác lạ lùng đến nao lòng. Thời điểm đi chợ tốt nhất là vào buổi sáng, lúc này chợ rất đông luôn. Vừa ngắm bình minh vừa ngắm ghe xuồng tấp nập buôn bán vui ơi là vui, mỗi xuồng ghe đều có treo đồ trên cây sào bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là “cây bẹo”. Có hai cách gọi, một là “bẹo hàng” trên những cây sào nằm ngang, loại này thường thấy ở chợ nổi miệt Cà Mau. Hai là người bán dùng cây chống đứng ngay trước mũi ghe thuyền của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại sản vật mà mình muốn bán. Nghe tới đây là thấy thú vị đúng không nào.


Ảnh @jahuyne

Ngoài bán những sản vật như trái cây miệt vườn: dưa hấu, xoài, khóm, chôm chôm,...người dân nơi đây còn bán đồ ăn, nước uống trên ghe xuồng nữa, bạn có thể vừa ngắm cảnh không gian tấp nập vừa ăn uống thoải mái chụp ảnh, chuyện trò cùng với các cô chú. Cảm giác ăn trên ghe xuồng lắc lư theo điệu nhạc du dương luôn, nên thử nha. Không là uổng lắm đó.


Ảnh @stella.19.90

2. CỒN SƠN

Cồn sơn là một vùng đất nổi giữa sông Hậu, hay người ta còn gọi là cù lao. Cồn Sơn thuộc Quận Bình Thủy, Thành Phố Cần Thơ. Từ trung tâm Tp. Cần Thơ bạn đi theo hướng QL 91. Đến bến đò Cô Bắc (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) thì bắt đò sang Cồn Sơn chỉ mất khoảng 5-10 phút là tới hoặc thuê tàu Cần Thơ tại bến Ninh Kiều. Nhìn từ xa, Cồn Sơn có vẻ hoang sơ khi được bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt là sông nước mênh mông.

Người dân xứ Cồn đã tận dụng chính cơ sở sản xuất nuôi cá bè trên sông của mình để biến thành điểm tham quan cho du khách. Làng nuôi cá Bè nằm ngay cửa ngõ vào Cồn Sơn và hiện được các đoàn khách ghé thăm trước khi chính thức bước chân lên cồn.


Nhà bè trên sông, ảnh sưu tầm

Ở nhà vườn Song Khánh, du khách lại được hướng dẫn cách “bón cơm” cho cá.. Sang nhà vườn Công Minh, du khách lại được học cách nổ bỏng, tham quan cách làm mắm và được trực tiếp chủ nhà… Đặc sản của Cồn Sơn phải kể đến “cá lóc nhảy” nằm ngay trong một nhà vườn. Để cá có thể biểu diễn, chủ vườn phải hình thành cho chúng phản xạ với âm thanh, bằng cách chia nhỏ thức ăn hằng ngày, mỗi lần cho ăn là dùng kẻng gõ. Hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến đàn cá hàng nghìn con tung mình lên không trung như “nhảy” để đớp mồi mỗi khi nghe thấy tiếng động.


Cá lóc bay, ảnh @YenHuynh


Cá lóc bay Tín Hòa, ảnh @YenHuynh

Khi du lịch Cần Thơ đến thăm Cồn Sơn, du khách còn được cùng gia chủ làm các món bánh nổi tiếng của người dân miền Tây như: bánh khọt, bánh xèo, bánh kẹp nướng, bánh in,…có rất nhiều hoạt động dân dã nơi đây, bạn đừng quên trải nghiệm nhé. 


Trải nghiệm làm bánh tại Cồn Sơn, ảnh @Nụ Cười Me Kong

3. BÁNH HỎI MẶT VÕNG ÚT DZÁCH

Nam bộ là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Riêng với ẩm thực, hơn 100 loại bánh dân gian cũng góp phần tạo nên nét độc đáo cho vùng Nam bộ. Trong số đó, bánh hỏi mặt võng là một trong những loại bánh góp phần níu chân du khách khi đặt chân đến TP.Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung. Sở dĩ bánh có tên mặt võng vì cách tạo hình của bánh như những mắt lưới chiếc võng. Từng sợi bánh hỏi mềm, dai trong được cuốn thành hình mặt võng bắt mắt xếp khéo léo trên chiếc lá chuối tươi xanh.


Bánh hỏi mặt võng Út Dzách, ảnh sưu tầm

Cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 15km, lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách tọa lạc tại số 509 Tỉnh Lộ 61B, Ấp Nhơn Bình, Xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, đã đi vào hoạt động và tồn tại gần 60 năm.. Đường vào lò bánh khá thú vị khi hai bên đường là khung cảnh rất chất miền Tây. Mát rượi với hàng tre xanh rì. Du khách còn có thể tự tay thử làm bánh hỏi mặt võng Út Dzách truyền thống dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của gia chủ. Đây là một trải nghiệm khá lý thú. Bởi bánh hỏi mặt võng là một loại bánh dân gian không phải ở đâu cũng có. Chính việc tự tay làm, thưởng thức đã đem đến cho du khách cảm giác gần gũi thân thiện. Đậm chất miệt vườn sông nước Nam Bộ.


Công đoạn làm ra bánh hỏi mặt võng, ảnh sưu tầm

Đến tham quan khu vườn của ông Cảnh, ngoài thưởng thức món chủ lực là bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền vừa ra lò còn nóng hổi, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn dân dã khác như ốc nướng tiêu, lươn um, lẩu mắm đồng quê và các loại bánh truyền thống như bánh lá mít, bánh xếp, bánh xèo, bánh bò, bánh da lợn, bánh ít, bánh tằm se tay,…


Ảnh @ludi


Ảnh @ludi

4. LÒ HỦ TIẾU TRUYỀN THỐNG

Có dịp du lịch Miền Tây đến Cần Thơ thành phố lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long, ngoài việc tham quan các cảnh đẹp, sẽ rất hối tiếc nếu bạn bỏ lỡ cơ hội khám phá các làng nghề truyền thống như làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm, làng hoa Thới Nhựt, làng đan lọp Thới Long…. trong đó có làng nghề làm hủ tiếu.


Ảnh @amazingvietnam

Sau khi đi chợ nổi Cái Răng, bạn nên kết hợp ghé thăm làng nghề truyền thống làm hủ tiếu để tìm hiểu công đoạn làm ra sợi hủ tiếu nổi tiếng khắp nơi của vùng đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Tận tay tham gia các công đoạn làm hủ tiếu và thưởng thức các món từ hủ tiếu thơm ngon. Nếu như nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ đến món phở, thì khi ghé thăm Nam bộ, không thể không nói đến hủ tiếu.


Ảnh sưu tầm

Lò hủ tiếu Cần Thơ với truyền thống hơn 44 năm tuổi tại Cái Răng. Đây là nét đặc trưng thú vị dành cho khách khám phá nét đẹp miền tây nói chung và Cần Thơ nói riêng. Đặc biệt là địa điểm này nằm ngay trên đường tham quan chợ nổi Cái Răng. Rất tiện lợi để ghé tham quan khi đi xuồng máy hoặc ghe thuyền.


Ảnh sưu tầm

Một trong những địa điểm lò hủ tiếu nổi tiếng Cần Thơ mà bạn nên ghé thăm:

  • Lò hủ tiếu Sáu Hoài
    Địa chỉ: 476, 14 Lộ Vòng Cung, phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
  • Lò hủ tiếu Chín Của
    Địa chỉ: 474c/14a, KV 7, Phường An Bình, Quận Ninh Kiều , TP Cần thơ 
  • Lò hủ tiếu Quê Tôi
    Địa chỉ: 02 Yên Hạ, Phường Lê Bình, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ

5. VƯỜN CA CAO MƯỜI CƯƠNG

Đến với Vườn ca cao Mười Cương ở Cần Thơ bạn sẽ được tham quan vườn ca cao với nhiều gốc cây lâu năm phủ bóng mát. Ngoài ra khám phá công đoạn làm truyền thống và thưởng thức socola cũng là một điều thú vị. Vườn ca cao có diện tích 1,2 ha. Đây là một trong những vườn ca cao đầu tiên ở miền Tây và cũng là ở Việt Nam. Hiện nay các gốc ca cao ở vườn đều được trồng bằng kỹ thuật sinh học. Ông Mười Cương rất hạn chế dùng phân bón hay thuốc trừ sâu cho vườn. Bên trong cũng có xen canh một ít trái cây.

Ảnh sưu tầm

Được giới thiệu các công đoạn xử lý ca cao thành socola, chế biến cây cacao từ socola phải trải qua nhiều công đoạn. Trái ca cao khi hái xuống sẽ được ủ lên men. Sau đó trải qua nhiều quá trình rang xay và xử lý. Chúng sẽ cho ra nhiều loại khác nhau từ raw ca cao, bột ca cao đến những loại có thể làm cả kem dưỡng da. Điều đặc biệt là ở Vườn ca cao Mười Cương Cần Thơ hoàn toàn dùng kỹ thuật truyền thống để làm socola. Những cách làm truyền thống tuyệt vời để chiếm ngưỡng và tham quan học hỏi.

Ảnh sưu tầm


Ảnh sưu tầm

Vườn ca cao nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km. Đường đến Vườn ca cao Mười Cương cũng khá dễ đi, bạn chỉ cần chạy bọc theo đường Nguyễn Văn Cừ nối dài xuống đường gần Thiền viện Trúc lâm Phương Nam.

  • Giờ mở cửa: 7h00 – 12h00.
  • Số điện thoại: 0939.427.589
  • Giá vé: 50.000/người (Bao gồm phí tham quan vườn ca cao, uống cacao, thưởng thức mẫu socola và tìm hiểu quá trình làm ca cao như thế nào)
  • Địa chỉ: Mỹ Khánh, Phong Điền, Cần Thơ, Việt Nam (các bạn có thể tìm trên google maps nhé)